Chủ tịch Vinasun & 10.000 nhân viên quyết kiện đến cùng Grab, Uber, nhưng họ hoặc không biết/hoặc cố tình quên những sự thật này
Có thể Uber, Grab rồi sẽ “chết”, thậm chí chết trước Vinasun, vì dù sao họ cũng chỉ là doanh nghiệp, nhưng cái nền kinh tế mà Uber và Grab đại diện sẽ không chết, và có thể sẽ tạo ra những đối thủ hung hãn hơn trong tương lai, chính điều đó mới là thách thức với các công ty của nền kinh tế thế hệ cũ.
Tuần qua, việc Chủ tịch HDQT Vinasun Đặng Phước Thành tuyên bố sẽ cùng 10.000 nhân công kiện Grab, Uber đã cho thấy sức nóng trong cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và dịch vụ gọi xe theo app. Và trong cuộc ĐHCĐ Vinasun, các cổ đông cũng rất sốt sắng hiến kế cho ban điều hành nhiều biện pháp để cạnh tranh chống lại trào lưu như nước lũ của các ứng dụng gọi xe, khiến Vinasun bị tổn hại nghiêm trọng, đang phải bán xe để cứu vãn.
Tuy vậy, có lẽ họ đang quên một số điểm cơ bản sau.
1. Đặt mình vào giữa cuộc chiến
Dù thế nào đi chăng nữa, Uber và Grab đang đại diện cho một nền kinh tế mới, gọi mỹ miều là nền kinh tế chia sẻ, hay nói cách khác là nền kinh tế dựa theo nhu cầu. Và tiếc thay, Vinasun hay Mai Linh lại đại diện cho nền kinh tế cũ, phát triển dựa trên sự cung cầu của thị trường và điều tiết của doanh nghiệp.
Cái mới ra đời, đe doạ cái cũ, và cách để cái cũ tồn tại trong nền kinh tế mới có lẽ không giống với cách các công ty taxi đang làm hiện tại.
Có lẽ các công ty taxi đang quan niệm “người ta có app thì mình cũng có app” (app - ứng dụng trên điện thoại) nên đẩy mạnh việc xây dựng app gọi xe taxi mà bỏ quên mất 1 điểm: Nếu chỉ dùng app gọi taxi còn hệ thống hạ tầng bên trong và cách vận hành vẫn như cũ, tức là app chỉ là "phương án bổ sung" thì cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Và 1 năm qua, khi các app gọi taxi chính chủ ra đời, thì vấn đề vẫn không được giải quyết. Không thiếu chuyện khách gọi qua app nhưng tài xế không tuân thủ, đón khách khác. Hay khách gọi xe qua app nhưng vẫn phải lấy tiền mặt ra trả, trong khi Uber và Grab dùng thẻ hay trả trước tiện dụng.
Tư duy của nhóm taxi truyền cần thay đổi là cách thức phục vụ khách hàng, chứ không phải là việc "bắt chước" Uber hay Grab. Thị trường giờ đây đã không còn nằm ở những vỉa hè đỗ xe nữa. Thị trường đã dời đi, khách hàng đang dịch chuyển từ vỉa hè lên điện thoại thông minh. Nếu không có Uber hay Grab, thì vẫn có những đối thủ khác phục vụ khách hàng theo cách thức mới. Đó mới là điều đáng sợ với taxi truyền thống, nếu họ vẫn khăng khăng giữ cách làm cũ.
Như vậy, nếu các công ty taxi vẫn không đặt cả “tính mạng” vào cuộc chơi ứng dụng gọi xe thì họ vẫn đang là mô hình cũ chỉ cải cách chút ít để cạnh tranh với Uber và Grab. Câu chuyện này cũng giống như bưu điện đi cạnh tranh với email bằng cách đưa ra dịch vụ điện tín với giá tính theo từng chữ một, trong khi email là miễn phí vậy.
2. Vấn đề giá
Giá có vẻ là một vấn đề khá "nghiêm trọng" mà dường như Vinasun chưa nhìn ra sự cách biệt lớn giữa mình với các đối thủ như Uber, Grab. Không chỉ là khác biệt về kiểu tính tiền theo km như taxi hoặc là tính cả phí km và phút đi, phí giờ cao điểm như app gọi xe, mà ở đây là việc giá Vinasun khó có thể rẻ hơn Uber, Grab, đặc biệt là khi tỉ lệ lấp đầy của Uber và Grab hiện luôn cao hơn Vinasun và các hãng taxi truyền thống.
Vinasun hầu hết là xe 7 chỗ, rất to ngồi rất thoải mái. Người miền Bắc vào TPHCM sẽ khá là ngạc nhiên bởi taxi (hầu hết là logo Vinasun) chạy đầy đường toàn xe 7 chỗ, cước 15.500 đồng/km.
Vinasun đang đẩy mạnh xe 4 chỗ lên với cước 14.500 đồng/km. Tuy nhiên, thử hỏi giữa mức cước 7.000 – 8.000/km của Uber, Grab và 1 bên là 14.500 đồng của xe 4 chỗ Vinasun (chưa tính Vinasun hầu hết là xe 7 chỗ với cước 15.500 đồng/km), thì dẫu cho app gọi xe có “giá giờ cao điểm” nhân bao nhiêu và tắc đường, thì cũng khó lòng mà thấp hơn giá của Vinasun đưa ra.
Chênh lệch giá gần gấp đôi thì có lẽ sẽ khiến phần đa khách hàng phải suy nghĩ. Chưa kể, Uber và Grab đều có hệ thống đánh giá tài xế, nên dẫu có vài tài xế chưa tốt, thì các tài xế của app gọi xe cũng khá cẩn thận và lịch sự, vì bị đánh giá thấp đồng nghĩa với việc được phân phối ít khách hơn, được ít tiền hỗ trợ hơn.
Rất nhiều lợi thế của Vinasun so với các hãng taxi khác, điều đã giúp hãng này giữ vị trí thống trị tại TPHCM trong bao nhiêu năm, và giờ đây lại chính là lực cản cho Vinasun thay đổi.
Hãy nhìn ra Hà Nội, Taxi Group cũng đã rất nỗ lực để ra mắt dịch vụ Taxi Eco, xe 4 chỗ với giá là 11.000 đồng/km. Tuy giá này vẫn cao hơn Uber, Grab, nhưng nếu tính bù thêm chi phí giờ cao điểm, thời gian, giá sẽ không chênh lệch là bao. Và thế là, nếu trong các khung giờ cao điểm, giá của Uber, Grab tăng x2, x3 lần thì giá Eco sẽ vẫn giữ nguyên và sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.
3. Nếu không đánh được thì.... đàm
Đây có lẽ là lời khuyên trái tai nhất với Hội đồng quản trị Vinasun, nhưng cũng là một cách để kết thúc cuộc chiến này. Đó là thay vì đặt mình cao hơn các app gọi xe và tìm cách cạnh tranh, kiện cáo hay tiêu diệt các app này. Thì tốt hơn hết là các hãng taxi nên nhìn thẳng vào sự thật, các app gọi xe sẽ là tương lai của nền vận tải. Vì thế tốt hơn hết là hợp tác, hoặc có thể là mua lại hay sáp nhập.
Tuần vừa rồi, làng công nghệ Đông Nam Á khá bất ngờ khi có tin hãng taxi số 3 Singapore SMRT có thể sẽ bán lại cho Grab. SMRT hiện đang có khoảng 3.400 chiếc taxi và theo thoả thuận được tiết lộ, họ sẽ có ghế trong HĐQT của Grab nếu thương vụ thành công. Kết thúc thương vụ, SMRT sẽ tập trung hơn vào mảng MRT (tàu điện ngầm) đang có doanh thu và lợi nhuận ổn định, trong khi mảng taxi đang bị cạnh tranh gay gắt của Grab và Uber.
Việc một công ty đại diện cho nền kinh tế mới thâu tóm những “gã khổng lồ” nền kinh tế cũ không phải chuyện gì xa lạ. Những năm 90, thế giới chứng kiến việc DEC, gã khổng lồ của “máy vi tính” (có kích cỡ bằng cả cái tủ lạnh) phải bán lại cho Compaq, một công ty mới mẻ bán những chiếc máy vi tính chỉ với kích cỡ như máy tính desktop hiện nay.
Hoặc khi mà nền sản xuất điện tử chuyển dịch sang Trung Quốc, người tí hon Lenovo đã nhanh tay mua lại dây chuyền sản xuất PC của IBM, một đế chế khổng lồ trong làng công nghệ. Sau khi bán đi mảng PC, IBM tập trung vào các công nghệ máy chủ đám mây và trí thông minh nhân tạo, và giờ hãng vẫn là 1 gã khổng lồ với siêu máy tính Watson và công nghệ đám mây được nhiều công ty lớn sử dụng.
Có một ý kiến mà người viết rất tâm đắc là: có thể Uber, Grab rồi sẽ “chết”, thậm chí chết trước Vinasun, vì dù sao họ cũng chỉ là doanh nghiệp, nhưng cái nền kinh tế mà Uber và Grab đại diện sẽ không chết, và có thể sẽ tạo ra những đối thủ hung hãn hơn trong tương lai, chính điều đó mới là thách thức với các công ty của nền kinh tế thế hệ cũ.
Cổ đông Vinasun hiến kế cạnh tranh với Grab, Uber: Kinh doanh thêm xe ôm, lãnh đạo nên thay bớt người nhà bằng người tài bên ngoài...
Nguồn : www.dienmayhavi.com
- Sai lầm bạc triệu, tàn phá điều hòa: Đa số người dùng đang mắc phải (07.11.2018)
- Làm sao để sử dụng tủ mát đúng cách nhằm nâng cao tuổi thọ? (07.11.2018)
- Thực phẩm bảo quản lâu trong tủ mát có làm sao không? (07.11.2018)
- Sử dụng tủ mát tiết kiệm điện (07.11.2018)
- Lựa chọn tủ đông phù hợp với nhu cầu của gia đình bạn (07.11.2018)
- Tủ đông ngang hay đứng? Loại nào tốt hơn? (07.11.2018)
- Hướng Dẫn Cách Bảo Trì Vệ Sinh Máy Lạnh (07.11.2018)
- Lời khuyên mua máy sấy quần áo cho bạn (07.11.2018)
- Sự khác nhau giữa tủ đông dàn đồng và dàn nhôm (07.11.2018)
- Tủ đông hiệu Darling sử dụng có tốt không? (07.11.2018)